[LAODONG] Loa phường, xã là công cụ thiết thực, hiệu quả trong việc chống dịch COVID-19

1  2  3  4  5
NAN/5 - 0 Bình chọn - 797 Lượt xem
  • 19/03/2020
  • 797

Cả hệ thống cũng chú trọng đến việc tuyên truyền các bộ, ngành, địa phương trong việc phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, sinh hoạt; việc bố trí chương trình học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn phức tạp... Tôi muốn khẳng định, trong thực thi nhiệm vụ này, hệ thống các đài, trạm truyền thanh cấp huyện, cấp xã là rất hiệu quả.



 
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) trả lời phỏng vấn Báo Lao Động về việc huy động hệ thống các đài phát thanh, truyền thanh từ trung ương đến cơ sở để góp phần vào công cuộc phòng,chống dịch COVID-19. 

 

 Thưa ông, với tư cách là người đứng đầu ngành phát thanh, truyền thanh cả nước; mặt khác, ông cũng là nhà khoa học có nhiều năm tham gia nghiên cứu, giảng dạy, hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình, xin ông cho biết thời gian qua, Đài Tiếng nói Việt Nam và hàng trăm đài phát thanh cấp tỉnh, cấp huyện và hàng vạn trạm truyền thanh cơ sở đã tham gia thông tin, tuyên truyền về công cuộc phòng, chống “giặc COVID-19” như thế nào?

Cũng như nhiều cơ quan báo chí khác, trong đó có Báo Lao Động, Đài TNVN cùng hệ thống các đài phát thanh - truyền hình cấp tỉnh, cấp huyện và hàng vạn trạm truyền thanh cơ sở đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ quan trọng, cấp bách này. Cả hệ thống đã thông tin, tuyên truyền sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đối với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; bảo đảm các yêu cầu chính xác, nhanh chóng, toàn diện, thống nhất, mang tính định hướng và trách nhiệm cao; nêu bật những nỗ lực to lớn, tính tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết đoán của Đảng, Nhà nước, của các ban, bộ, ngành, địa phương; những bài học quý báu, quan trọng của ta cho chính chúng ta và bạn bè quốc tế; sự hỗ trợ, giúp đỡ của Việt Nam đối với nước láng giềng Trung Quốc và cộng đồng quốc tế; Tổ chức Y tế Thế giới, Mỹ và nhiều nước đặc biệt khen ngợi Việt Nam, mong muốn VN chia sẻ những kinh nghiệm quý, cách làm kiên quyết, sáng tạo… về khống chế hiệu quả dịch COVID-19; chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, quyết định bước đầu nhưng không được phép lơ là, chủ quan mà vẫn phải tiếp tục áp dụng các biện pháp đã và đang tỏ ra rất hiệu quả.

Cả hệ thống cũng chú trọng đến việc tuyên truyền các bộ, ngành, địa phương trong việc phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, sinh hoạt; việc bố trí chương trình học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn phức tạp... Tôi muốn khẳng định, trong thực thi nhiệm vụ này, hệ thống các đài, trạm truyền thanh cấp huyện, cấp xã là rất hiệu quả.

- Có khá nhiều ý kiến cho rằng, bây giờ phần lớn người dân ưa xem truyền hình, đọc báo và  cả nghe phát thanh trên internet, điện thoại cầm tay, máy tính bảng, máy tính để bàn, trên facbook... Có người còn nói, loa phường, xã ở thời kỳ bao cấp rất có tác dụng nhưng trong thời đại công nghệ lên ngôi như hiện nay, các tỉnh, thành phố đã có nhiều phương thức phục vụ nhân dân về thông tin, truyền thông, do đó loa phường, xã đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, cần đánh giá, rà soát, nếu thấy không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi. Xin ông nói rõ hơn, trực diện hơn quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi rất quan tâm và hết sức băn khoăn trước những ý kiến như thế, thậm chí, có lúc, đã có ý kiến nêu quan điểm “Hà Nội sẽ bỏ loa phường”. Vấn đề ở đây không phải là thích hay không thích và dĩ nhiên, cũng không nên chỉ bằng một mệnh lệnh hành chính, để “khai tử” một loại hình, một công cụ truyền thông có từ lâu, rất phổ biến, ngay cả các nước phát triển trên thế giới hiện nay như ở Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu... Vấn đề là sử dụng nó như thế nào cho phù hợp và vẫn phát huy hiệu quả. 

Loa phường, xã đã có từ lâu, phát huy tác dụng nhiều mặt từ lâu. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm, nó có vị trí, vai trò, tác dụng, cách thức hoạt động khác nhau. Ngay cả bây giờ, khi mà các phương tiện truyền thông hiện tại phát triển mạnh: Phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, mạng xã hội… thì loa phường, xã vẫn có vai trò, có chỗ đứng riêng của nó. Vấn đề là chúng ta sử dụng nó như thế nào cho hợp lý và hiệu quả. Theo tôi, ở các đô thị lớn như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… đúng là cũng không nên để loa phường phát oang oang ngoài đường phố, nơi đông người, vì có thể ảnh hưởng nhất định đến nhiều người, nhất là những người không có nhu cầu.

Chỉ trong những tình huống khẩn cấp, đặc biệt cần thiết thì sử dụng những chiếc loa này. Vừa qua, khi một số khu phố, khu dân cư ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc...bị cách ly để phòng, chống dịch COVID-19. Đối với đa số cư dân thành phố, nên đưa nhiều loa nhỏ, máy thu thanh nhỏ, giống như máy ga-len trước đây, gắn trong mỗi nhà. Nhà nào, thành viên nào cần nghe thì mở, âm lượng vừa đủ, có thể chọn các kênh, hệ, chương trình. Có những chương trình tiếp âm Đài TNVN, Đài phát thanh thành phố, đài truyền thanh quận, huyện, có chương trình của đài phường, xã, khu phố. Đối với người già, người khiếm thị khó xem hoặc không xem được truyền hình, không đọc báo được thì nghe đài là cách tốt nhất, thậm chí là duy nhất. Trong một gia đình, có thể có vài ba máy thu thanh nhỏ, ai thích nghe chương trình gì, cứ tự chọn, mở cho riêng mình.

Gia đình tôi có hai ông bà, cũng làm như vậy, thấy rất ổn, rất hợp lý... Còn ở nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, trạm truyền thanh cơ sở (có dây và không dây) vẫn rất cần thiết; “loa xã”, “loa xóm”, “loa thôn”, “loa bản” vẫn rất cần thiết, tất nhiên, phải đổi mới cách thức, nội dung, nâng cao tính hiệu quả, tính phù hợp. Thêm điều này nữa, loa phường, xã vừa phát huy tác dụng khi tiếp sóng đài quốc gia, đài thành phố, đài quận huyện, vừa biết thông tin, tuyên truyền những vấn đề thiết yếu, sát với cuộc sống cư dân ở phường, xã, khối phố, thôn, bản như giải tỏa ùn tắc giao thông, giữ nghiêm trật tự, văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, cháy nổ; huy động lực lượng khi bão lũ, thiên tai, hỏa hoạn, truy bắt trộm cướp; phổ biến kiến thức pháp luật, kiến thức cần yếu cho đời sống hằng ngày... Như vậy, vấn đề ở đây không phải là bỏ loa phường, xã mà là sử dụng loa phường, xã như thế nào cho hiệu quả, đặt nó ở đâu cho phù hợp, phát nội dung nào, thời lượng ra sao mới là điều đáng bàn, tìm giải pháp.

- Theo giải thích của một số người thì hiện nay, loa phường, xã chưa làm đúng chức năng của mình; chất lượng nội dung, âm thanh, cách truyền thanh còn hạn chế, yếu kém, có lúc, có nơi cẩu thả. Theo ông, để nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm truyền thanh phường, xã (mà ta gọi tắt là truyền thanh cơ sở) thì cần phải làm gì, làm như thế nào?

Tôi cho rằng, các đồng chí là cán bộ quản lý, điều hành; các biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên ở trạm truyền thanh cơ sở xã, phường, thị trấn cần phải được đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng cơ bản để vận hành các trạm truyền thanh này tốt hơn, hiệu quả cao hơn.  Chẳng hạn, để có một chương trình truyền thanh ở cơ sở tốt, trước hết, cần xác định thời lượng là bao nhiêu phút; nội dung cần phản ánh những vấn đề, sự việc nào; sắp xếp trước sau ra sao; cách viết tin, bài phải ngắn gọn, chính xác, câu cú mạch lạc, từ ngữ được sử dụng đúng; đọc phải rõ ràng, truyền cảm. Theo tôi, bình thường thì một chương trình của trạm truyền thanh phường, xã nên khoảng 15 phút là đủ, nếu có sự kiện quan trọng thì có thể nâng lên 20 phút là vừa.

Sau đó, tùy khả năng mà lựa chọn việc tiếp sóng đài quận, huyện; đài thành phố, tỉnh; đài quốc gia. Đài TNVN sẵn sàng phối hợp với các tỉnh, thành, phố, quận, huyện để đào tạo, bồi dưỡng, rèn cặp cho đội ngũ truyền thanh cơ sở. Hiện tại, Đài TNVN có hai cơ sở đào tạo cấp cao đẳng đặt ở phía Bắc và phía Nam: Trường Cao đẳng Phát thanh, Truyền hình I (đặt tại Phủ Lý, Hà Nam) và Trường Cao đẳng Phát thanh, Truyền hình II (tại TPHCM) đủ sức làm thêm, làm ngay nhiệm vụ này. Hai trường có thể đào tạo cả về nội dung, về kỹ thuật, về quản lý. Tổng Công ty Phát triển công nghệ PTTH của Đài (TCT Emico) cũng đủ sức sản xuất, lắp ráp, lắp đặt các đài, các trạm, sản xuất máy thu thanh, hướng dẫn vận hành các đài, trạm truyền thanh cơ sở với chi phí hợp lý nhất. 

Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn thú vị và với tôi, rất bổ ích, tôi muốn nhắc lại câu dân ca “rằng qua cơn hoạn nạn, mới hiểu tận lòng nhau” hay “được mùa chớ phụ ngô khoai, đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”. Qua “chiến dịch” phòng, chống COVID-19, mới thấy hệ thống các đài, trạm phát thanh, truyền hình, truyền thanh, rộng ra là hệ thống báo chí từ trung ương đến cơ sở, là rất quan trọng, rất cần thiết. Các bạn đi về các khu phố, làng quê, thôn bản chắc nhận rõ hơn điều này.

- Xin cảm ơn PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ.

- Thưa ông, dường như lúc này, quan điểm của ông về việc không bỏ hệ thống loa phường, xã, khối phố, thôn, bản cách đây gần 4 năm khi ông về nhậm chức Tổng Giám đốc Đài TNVN mà phải đổi mới kỹ thuật, công nghệ, nội dung, cách thức vận hành... đến nay cho thấy rất đúng, rất cần thiết. Ông có thể nói rõ hơn, nhất là vai trò của hệ thống các trạm truyền thanh cấp phường, khối phố ở các đô thị lớn?

Theo tôi, để bàn về vấn đề này một cách căn cơ, thấu đáo, có lý, có tình, nên nhìn rộng và xa hơn một chút, cả thời gian và không gian, cả yếu tố chính trị, xã hội và cả yếu tố kinh tế, kỹ thuật, tâm lý, nhất là cách quản lý, quản trị.

Chúng ta cùng nhớ về một thời chưa xa lắm, loa phường (xã) là người bạn gần gũi, khuya sớm của mỗi nhà, mỗi khu phố, mỗi xóm, thôn. Loa báo tin thắng trận ở miền Nam. Loa đưa tin quân và dân miền Bắc bắn rơi nhiều máy bay, tàu chiến của địch. Loa kêu gọi phụ nữ “Ba đảm đang”, thanh niên “Ba sẵn sàng”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”… Loa báo tin bão đến, cần tăng cường phòng chống và phòng tránh bão, lũ, sơ tán dân.

Loa báo tin dịch bệnh và cách phòng, tránh; đưa trẻ con đi tiêm phòng, giữ ấm cho người và gia súc vào mùa đông… Ngay gần đây thôi, loa phường thông tin về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp; bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; những cảnh báo về trật tự, giao thông đô thị; về thực hiện nếp sống văn minh... Vợ chồng tôi và nhiều cử tri, trước khi đứng trước hòm phiếu bầu cử đã có quá trình xem xét, lựa chọn ứng cử viên để bầu vào các cơ quan quyền lực các cấp, đã nắm chắc lý lịch, quá trình công tác, khả năng cống hiến của từng ứng cử viên… Tất cả những thông tin đó, phần lớn nhờ loa phường, xã.

BÌNH MINH THỰC HIỆN
Bài viết khác
Hotline 0988091096 Icon-Zalo 0988091096 Icon-Messager Messenger Icon-Youtube Youtube Icon-Shopee Shopee Icon-Tiki Tiki